Với 7 năm kinh nghiệm dán phim cách nhiệt cho cả ngàn chiếc ô tô, trong bài viết này, chúng ta gặp gỡ anh Ngô Quang Hải – kỹ thuật viên (KTV) của Joyride. Được biết, Joyride là đơn vị tiên phong mang đến những thay đổi quyết liệt trong lĩnh vực dán phim cách nhiệt, detailing, styling cho ngành ô tô thông qua những giải pháp về sản phẩm, chuyển giao và đào tạo.
_ Chào anh Hải, cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn, giúp mọi người cùng tìm hiểu về quy trình dán phim cách nhiệt ô tô chuyên nghiệp. Đầu tiên, anh có thể giới thiệu một chút về bản thân không?
Xin chào, mình là Ngô Quang Hải, 32 tuổi, có 7 năm làm kỹ thuật viên tại Joyride.
_ Đúng là dân kỹ thuật, giới thiệu bản thân rất ngắn gọn. Theo anh, quy trình dán phim cách nhiệt có dễ ăn không?
Cái khó của dán phim, là nhiều người tưởng nó dễ. Mình nghĩ, dễ hay khó còn tùy vào cảm nhận và trình độ mỗi người. Như hồi mới bắt đầu tham gia đào tạo, mình thấy khó, từng dán “fail” nhiều lần trên các kính mẫu. Nhưng sau khi tìm hiểu sâu sắc và chuyên tâm thực hành, mình thấy dễ hơn. Ngoài ra khi dán thực tế trên xe, mình còn tự đúc kết thêm cách xử lý nhiều vấn đề phát sinh nữa. Nói chung sau 7 năm, quy trình này mình thuộc nằm lòng luôn rồi. (cười)
_ Anh có thể chia sẻ quy trình này, một cách ngắn gọn nhất, cho đồng nghiệp cũng như chủ xe cùng tham khảo được chứ?
Không thành vấn đề. Bước 1 là vệ sinh ron, mặt trong kính để kiểm tra. Theo mình, đây đúng là bước dễ nhất trong quy trình dán phim nhưng không vì thế mà lơ là. Như mình mới nói, bước này rất cần chú ý tiểu tiết, mắt soi tinh tường để xác nhận tình trạng xe trước khi dán, kẻo lúc bàn giao mà xe có sẵn vết trầy xước nhỏ, khách “bắt đền” do mình thì khó giải thích lắm.
Đầu tiên, mình sẽ kiểm tra mọi thứ trên xe:
- Kiểm tra số khung xe, đúng dòng xe để bảo hành.
- Vệ sinh bên ngoài kính, kiểm tra hiện trạng kính bên ngoài.
- Kiểm tra đèn, body xe, mặt sơn, mâm, các chi tiết nhựa, ron cao su, inox, crom bên ngoài xe.
- Kiểm tra ghế da, tapi cửa, taplo, các chi tiết nhựa, inox, crom bên trong xe.
- Kiểm tra hiện trạng kính bên trong: Lau và kiểm tra xem kính có bị trầy xước, đã sạch các mảng bám bẩn hay chưa.
- Kiểm tra vô lăng, màn hình, các chi tiết gỗ.

Kỹ thuật viên Joyride đang kiểm tra hiện trạng kính xe ô tô
Mục đích kiểm tra này để xác nhận chính xác tình trạng của chiếc xe trước khi bắt đầu thi công. Nếu phát hiện bất cứ vấn đề nào, đặc biệt các lỗi lớn như: trầy xước nứt trên kính, hư hại bong tróc bề mặt sơn,… mình sẽ lưu lại và báo ngay cho cấp trên. Còn với phim cũ, kỹ thuật viên sẽ lột bỏ, vệ sinh keo chết và kiểm tra lần nữa.
_ Wow chỉ mới bước 1 thôi mà đã có quá nhiều thứ phải kiểm tra, soi kỹ. Vậy bước 2 mình sẽ làm gì tiếp theo vậy anh Hải?
Bước 2 là che phủ ghế và nội thất. Để ghế ngồi và nội thất xe không bị dơ, hư hại trong lúc dán, KTV sẽ che phủ toàn bộ các chi tiết, bao gồm: taplo xe, tapi cửa, vô lăng, thảm để chân, cần số, ngựa để tay, bọc áo trùm ghế trước và sau.
Bước này chưa yêu cầu đến kỹ năng mà cần sự chuyên tâm, tỉ mỉ. Che phủ càng tỉ mỉ thì quá trình thi công thực hiện sau đó càng gọn gàng, hạn chế bám bẩn dấu tay, làm hư hại nội thất xe.

Che phủ từng chi tiết nội thất để tránh bị vấy bẩn khi dán phim
Ngoài ra bước này bạn lưu ý chỉ dùng các vật liệu che phủ tốt. Nếu dùng vật liệu dỏm hoặc quá mỏng, thì nước, dung dịch vệ sinh trong lúc thi công dễ dàng thấm qua làm hư hại xe. Ví dụ như:
- Khăn phủ phải sạch, mềm, thấm hút tốt, che kín toàn bộ vị trí cần phủ.
- Băng keo ni lông loại tốt, keo dính tốt, chống thấm nước.
- Áo trùm ghế và vô lăng loại dày, không đổ lông, thấm hút tốt.
- Thảm cao su sạch, không mùi.
_ Nhiều người vẫn tưởng dán phim chỉ cần che phần kính thôi, không ngờ quy trình che phủ thực tế lại kỹ càng đến vậy. Bước 3 thì sao anh?
Bước 3 là đo kích thước, sấy phim. Đây là bước rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng của phim sau khi dán. Như mọi người cũng biết, kính của mỗi loại xe có độ cong và đặc điểm riêng biệt, không có form chung nên phim cần được cắt đo chính xác đến từng cm cho vừa khớp với từng kiểu kính. Lệch một xíu là phải thay lại tấm phim khác khá tốn kém. Bước 1-2 có thể do KTV phụ thực hiện, nhưng tới bước này, KTV chính như mình thường trực tiếp thi công.
Nhờ từng “đo ni đóng giày” phim cho đủ dòng xe trong nhiều năm, từ cao cấp như Porsche, Lexus đến các dòng phổ biến như Santafe, Captiva…, mình mới dễ dàng nhận biết chính xác độ cong và đặc điểm riêng của từng loại kính. Cụ thể từng công đoạn mình làm như sau:
- Đo kích thước kính thực tế chuẩn và chính xác.
- Cắt phim theo kích thước đã đo trên kính.
- Sấy phim theo hình dạng kính.
- Cắt tỉa phim theo hình dạng kính: Không được cắt dư hoặc thiếu, mà chuẩn theo form kính. Các góc phim phải được tỉa tròn, đưa vào ron kính sẽ không bị tróc phim.

Đo kích thước, sấy phim là bước rất quan trọng của quy trình dán phim cách nhiệt ô tô
Bước này động đến dao và máy sấy nên các anh em kỹ thuật phải hết sức tập trung:
- Lưỡi dao luôn đảm bảo mới và bén.
- Đối với các dòng xe cao cấp, lực dao cắt phim không nên quá mạnh tay, có thể gây xước kính.
- Khi đang sấy phim, không nên xịt nước vì kính đang ở nhiệt độ cao có thể bị nứt.
- Khi sấy phim trên kính quá lâu, để kính giảm nhiệt độ rồi hãy cắt phim vì kính nóng khả năng xước kính khá cao.
- Khi sấy phim trên kính đã quá nóng, không nên có tác động mạnh vào xe như: leo lên, lắc xe, xịt nước lên kính…
_ À thì ra bước này như công đoạn lấy số đo, cắt may áo cho từng dáng người khác nhau. Đo cắt xong, chúng ta dán phim lên kính luôn phải không anh?
À không, bước 4 này mình khoan vội dán, phải vệ sinh ron, mặt trong kính một lần nữa đã để đảm bảo các chi tiết đều sạch bong, sáng bóng lần cuối trước khi dán phim. Cụ thể mình sẽ:
- Dán băng keo toàn bộ phần nỉ trên ron kính (nếu có).
- Vệ sinh tất cả các ron xung quanh kính: Dùng khăn sạch lau tất cả các chi tiết nhựa và ron có tiếp xúc với kính. Bề mặt càng sạch, quá trình thi công càng dễ.
- Lau và che phủ các chi tiết nhựa tiếp xúc với kính.
- Lau và kiểm tra mặt trong kính, đảm bảo sạch, đủ điều kiện để thi công.
Bước 4 này nghe giống bước 1 quá. Sao chúng ta phải vệ sinh đến 2 lần vậy anh?
Để đảm bảo điều kiện thi công hoàn hảo trước khi dán phim. Bước 1 mình làm sạch rồi, qua bước 2, 3 lỡ tay vô tình đụng chạm, kính bị dơ lại, mình chủ quan không vệ sinh lần cuối mà dán luôn thì không ổn, rất dễ phát sinh lỗi. Chưa kể có một số xe đã qua sử dụng nhiều năm, bề mặt kính khó tránh khỏi trầy xước. Với những vết xước lớn không thể cứu, mình cần báo với khách để họ cân nhắc có nên dán phim tiếp không, hay là tìm phương án khác như thay kính rồi mới dán tiếp chẳng hạn.

Kính cần được vệ sinh lần nữa để đảm bảo điều kiện thi công hoàn hảo
Ngoài ra, anh em kỹ thuật cần chú ý thêm vài tình huống đặc biệt sau:
- Đối với xe đã đi lâu: cần xịt dung dịch ron kính để phần bụi bẩn, tạp chất dính trên ron trôi đi và mềm hơn.
- Đối với xe đã dán phim: khi lột phim cũ ra cần vệ sinh sạch keo, chú ý kỹ phần ron kính thường sót lại keo thừa. Mình chỉ thấy phim Konica trên xe cũ lột ra không có keo chết. Các loại phim khác, thường có keo chết, phải vệ sinh thật sạch trước khi dán phim mới.
- Riêng kính hậu sau xe, khi lột phim cũ không được dùng dao hay vật sắc nhọn để cạo keo vì phần song kính rất dễ đứt và báo lỗi xe.
_ Ban đầu quy trình tưởng không khó, nghe anh chia sẻ mới 4 bước đã thấy khó không tưởng! Sẵn tiện anh bật mí luôn bước 5 cho mọi người cùng biết.
Bước 5, chúng ta tách rìa phim và dán lên thôi. Nhưng dán phim cách nhiệt ô tô khó, và khác rất nhiều, so với dán keo điện thoại hay dán decal cửa kính. Mình liệt kê từng bước nhỏ như sau cho các bạn dễ hình dung:
- Kiểm tra lại chất lượng phim.
- Để phim theo đúng vị trí kính cần dán.
- Xịt dung dịch xà phòng lên kính.
- Dùng tay tách lớp nylon khỏi phim, căng tấm phim thẳng để xịt dung dịch. Lưu ý không để phim bị co hay đùn, sẽ làm gãy phim.
- Đặt phim lên kính, điều chỉnh cho phim nằm gọn, vừa khít trên kính.
- Dùng gạt Bluemax đẩy hết dung dịch thừa giữa phim và kính. Lưu ý gạt dung dịch từ giữa kính ra các góc, không gạt từ trái sang phải, hay từ trên xuống dưới.
- Dùng dao cắt tỉa phần phim thừa mép kính trên.
- Dùng khăn lau sạch phim trên kính và Tapi cửa.

Kỹ thuật viên Joyride đang dán phim lên kính ở bước 5
Bước này cũng có vài điểm quan trọng mà mình đúc kết được từ kinh nghiệm nghề nhiều năm:
- Khi đang tách phim, môi trường tuyệt đối không có bụi bẩn.
- Xịt dung dịch lên kính với lượng nước vừa đủ, không xịt quá nhiều có thể dẫn đến hư hỏng các thiết bị điện hoặc báo lỗi xe.
- Đối với 1 số dòng xe mới hiện nay, ron chân kính khá sâu nên cần điều chỉnh cho tấm phim xuống ron chân kính vừa phải.
- Cần kiểm tra kính có bám nước hay không trước khi pha dung dịch, để pha đúng liều lượng cần thiết.
_ Chúng ta đã đi qua 5 bước, chỉ còn công đoạn cuối cùng để hoàn thành quy trình dán phim cách nhiệt ô tô. Bước 6 này chỉ kiểm tra lỗi thôi phải không anh?
Đúng rồi, bước 6 này chúng ta chỉ kiểm tra và xử lý lỗi là xong. Để khách hàng hài lòng 10/10 khi nhận bàn giao xe, bên Joyride đã đào tạo cho anh em KTV rất kỹ, có thể thấy những lỗi người khác không thể thấy, xử lý được những lỗi người khác không thể xử lý. Mình từng gặp nhiều xe dán phim chỗ khác xong bị lỗi, không xử lý được, chủ xe mang qua bên mình nhờ xử lý giúp. Có chiếc xử lý được, có chiếc không, phải dán lại tấm phim mới. Nói về lỗi và cách xử lý trong dán phim thì rất nhiều, mình xin chia sẻ vào dịp khác.
Vâng. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ quy trình dán phim cách nhiệt ô tô. Những hướng dẫn trên chắc chắn sẽ là cẩm nang bổ ích cho các anh em KTV học hỏi và ngày càng “cứng tay” trên hành trình làm nghề.